Tadashi Yanai, ông chủ chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và hiện đang là tỷ phú giàu nhất nước Nhật với khối tài sản hơn 11,5 tỷ USD. Khởi nghiệp từ một cửa hàng quần áo cũ ở Hiroshima, Tadashi bắt đầu xây dựng thương hiệu thời trang của mình và sau 10 năm phát triển, Uniqlo đã có hơn 2,000 cửa hàng trên khắp thế giới. Vậy điều gì đã mang lại thành công cho Uniqlo?
Vào đầu những năm 1970, chàng thanh niên 20 tuổi Tadashi Yanai quay lại thị trấn Ube, vốn nổi tiếng với các mỏ than nằm ở phía Tây Nam Hiroshima, Nhật Bản để quản lý hiệu may của gia đình. Non nớt kinh nghiệm, Yanai nhanh chóng biến hiệu may thành một nơi mà chẳng nhân viên nào chịu nổi. “6 trong số 7 nhân viên đã bỏ đi”, Yanai kể lại. “Khi đó, tôi đã nghĩ là mình không hợp với nghề quản lý gì cả”.
Ngày nay, sau hơn 4 thập niên, Yanai đã trở thành Chủ tịch của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, một đế chế thời trang toàn cầu. Những bài học thu lượm được từ công việc của gia đình, cộng với bản tính tò mò vốn có về những gì cần thiết để trở thành lãnh đạo đã tạo nên bí quyết cho thành công sau này của Yanai.
Yanai khẳng định mình là một người hướng nội khi còn trẻ. Ông thích tiếp xúc với những cuốn sách hơn là nói chuyện với người khác.
“Hồi đó tôi đúng là một con mọt sách”, ông giải thích. Sau đó ông đưa những bài học trong sách vào thế giới thực, tạo nên một triết lý quản trị cực kỳ khác người. “Nó như kiểu đọc ngược một cuốn sách, bạn biết trước phần kết, sau đó quyết định phải làm gì để đến được đó và tiến hành. Đó là một nguyên tắc đơn giản, nhưng tôi nhận ra bản thân mình trước đây không làm thế”.
Bước ngoặt đến với ông khi đi công tác ở Mỹ và Anh, “Tôi thích văn hóa Mỹ, đặc biệt là văn hóa của thế hệ trẻ”, ông nói. “Vì thế tôi sang Mỹ và Anh rất nhiều lần khi còn là sinh viên, học hỏi những gì người khác đang làm trong ngành may mặc”.
“Lúc ấy, tôi biết được rằng một doanh nhân tên là Leslie Wexner của công ty The Limited [hiện giờ là L Brands], nơi điều hành chuỗi cửa hàng Victoria’s Secret, đã có được doanh số 1 ngàn tỷ yen (9 tỷ USD) trong một thời gian ngắn kỷ lục. Ông là doanh nhân tôi ngưỡng mộ nhất”.
“Tôi nghĩ có thể đó là những việc chúng tôi có thể làm ở Nhật Bản. Tôi luôn mong mở rộng doanh nghiệp thành một công ty giống như một trong số những công ty phương Tây đó”.
Trở về Nhật, thực tế khi đó khá ảm đạm. “Chúng tôi chỉ là một cửa hàng bán quần áo nam giới trong một thành phố nhỏ với 170.000 dân”, ông nhớ lại. “Lúc ấy tôi nghĩ sẽ là không tồi nếu cuối đời mình biến nó thành một công ty với khoảng 30 cửa hàng và có doanh thu hàng năm 3 tỷ yen”.
Ngày nay, Fast Retailing có hơn 110.000 nhân công, 1920 cửa hàng Uniqlo trên toàn cầu với hơn 1000 cửa hàng không nằm ở Nhật Bản. Nhờ vào vị thế vững chắc tại các thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Đông Nam Á, nên 47% doanh thu của Fast Retailing đến từ các thị trường nước ngoài.
Trong buổi phỏng vấn với tạp chí The Nikkei, ông đã nói về triết lý quản trị, thói quen làm việc và suy nghĩ về cuộc sống công sở ở Nhật Bản.
Ông bắt đầu bằng một quan niệm khác thường khi cho rằng làm việc chăm chỉ không phải lúc nào cũng tốt: “Nếu nỗ lực của bạn không đúng hướng, thì bạn sẽ chỉ đi vòng quanh và luẩn quẩn mãi một chỗ mà thôi”.
Dù tham vọng khá khiêm tốn, nhưng Yanai không hề hối tiếc khi quay trở lại Ube sau khi tốt nghiệp và làm việc ở Aeon, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.
“Nhiều người không hiểu điều này”, ông nói, “nhưng những người thực sự thành công rất thận trọng. Bill Gates chẳng hạn, ông từng nói ‘Bạn phải lo lắng’. Ông nhấn mạnh là liều lĩnh không mang lại gì và bạn phải thật tập trung”.
“Một điều nữa là tìm được kẻ vĩ cuồng bên trong bạn”, Yanai cười lớn. “Phương châm của công ty chúng tôi là: ‘Thay đổi phục trang. Thay đổi tri thức phổ thông. Thay đổi thế giới’. Ngay cả tôi cũng thấy đây là một tuyên bố khá lớn. Nhưng bạn cần phải có một tinh thần như vậy”.
Ở đây, triết lý của Yanai rất dễ bị hiểu lầm. Đúng là ông muốn thay đổi thế giới, ít nhất là cách chúng ta ăn mặc. Tuy nhiên, với nhiều người, điều này lại có vẻ giống với tham vọng chinh phục thế giới và kiếm lời.
Nhưng thực ra không phải vậy.
“Tôi chưa từng làm việc vì tiền”, Yanai nói. “Tôi không quan tâm đến việc kiếm tiền. Nếu lấy đó làm mục đích thì chắc chắn bạn sẽ lạc lối. Có quá nhiều doanh nhân như vậy, mục đích của họ là niêm yết công ty trên sàn chứng khoán và kiếm lời. Nhưng tiền sẽ bốc hơi nhanh chóng. Bạn kiếm được hàng trăm tỷ yên ư? Thì sao nào?”
Ông cũng đưa sự khiêm tốn vào trong cả giờ làm việc của mình. Yanai dậy lúc 5 giờ sáng và đến công ty lúc 6:45. Khoảng thời gian ưa thích nhất của ông là từ 6:30 đến 7:30, khi không có ai gọi điện hoặc đến thăm. Ông dùng khoảng thời gian quý báu này để nghĩ về ngày làm việc sắp tới.
“Công việc của một lãnh đạo là suy nghĩ”, Yanai nói. “Người này không phải làm việc nặng. Đó là việc của nhân viên. Lãnh đạo phải nghĩ ra cách khiến công ty trở thành một cái gì đó mà các nhân viên thấy có giá trị và đáng cho họ cống hiến”. Yanai rời văn phòng lúc 3 hoặc 4 giờ chiều. Sắp tới ông còn định đi về sớm hơn nữa.
Nguồn: Báo Doanh nhân và Pháp luật
Vậy điều gì đã mang lại thành công cho Uniqlo?
Chính là vào nhờ vào triết lý kinh doanh đặc biệt của ông chủ Tadashi.
Lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu: Khác với nhiều doanh nghiệp, Tadashi chú trọng phát triển toàn diện chứ không tập trung để tăng doanh thu. Đối với ông, nếu kinh doanh chỉ nhằm mục đích kiếm tiền đơn thuần, doanh nghiệp đó sẽ khó phát triển bền vững.
Giành cho mọi người: Trong khi những thương hiệu khác phân loại đối tượng khách hàng thành từng nhóm thì Tadashi lại xây dựng Uniqlo thành quần áo dành cho tất cả mọi người. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, thân hình, thể trọng, khách hàng đều có thể sử dụng quần áo Uniqlo.
Chất lượng là ưu tiên hàng đầu:Tadashi luôn cải tiến và chú trọng nhiều vào chất lượng hơn là hình thức. Ông còn thường áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Dòng quần áo Heattech là một ví dụ điển hình, với những túi khí nằm trong sợi vải, chiếc áo sẽ giữ ấm cho người mặc trong thời tiết lạnh giá.